Tổng Cục đã đề nghị công chức, viên chức người lao động có các hành động thiết thực nhằm góp phần hiện thực hoá mục tiêu vì một đại dương không có rác thải nhựa như:
Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển. Phát động các phong trào thi đua huy động sự tham gia nhằm góp phần kiểm soát rác thải nhựa phát thải ra môi trường biển. Tổ chức các chiến dịch “Làm sạch bãi biển” và chung tay bảo vệ môi trường. Tổ chức dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhựa tại nơi công tác với tần suất 2 lần/tháng.
Chủ động đề xuất các nhiệm vụ, dự án, đề tài về xây dựng cơ chế, chính sách quản lý rác thải nhựa; về hợp tác nghiên cứu, đánh giá hiện trạng rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á và các tác động của rác thải nhựa tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển, sức khỏe con người, phát triển kinh tế biển; hợp tác, chuyển giao công nghệ để làm sạch biển; hợp tác trong ngăn ngừa rác thải nhựa ở biển từ nguồn; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu và tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, tri thức giữa các quốc gia thành viên khu vực các biển Đông Á.
Khuyến khích sử dụng các bình nước lớn thay thế cho việc sử dụng nước đóng chai để hạn chế rác thải nhựa trong các cuộc họp, hội nghị. Hạn chế nhựa sử dụng một lần (nước đóng chai, ống hút nhựa...), tái chế nhựa, khuyến khích sử dụng các vật liệu thay thế nhựa thân thiện với môi trường...
Lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tham gia trồng cây trong chiến dịch “Làm sạch bãi biển”,
sự kiện bên lề của Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 tại Đà Nẵng (GEF6)- Ảnh: Hải Vũ/MONRE
Rác thải nhựa đại dương đã và đang trở thành hiểm họa mang tính toàn cầu. Theo các nhà nghiên cứu, rác thải nhựa trong môi trường biển có tính phân hủy chậm nên ảnh hưởng mang tính chất tiêu cực rất lớn đến sinh vật biển. Hàng năm có đến hàng triệu cá thể động vật biển khác nhau bị tiêu diệt. Rác thải nhựa còn đe dọa hơn 700 loài sinh vật biển rơi vào tình trạng tuyệt chủng. Rác thải nhựa có kích thước nhỏ dễ xâm nhập vào chuỗi thức ăn dưới biển và gây tổn hại đến sinh vật biển cũng như các hệ sinh thái biển. Các loại rác thải nhựa có kích thước lớn như lưới, ngư cụ trôi nổi trên biển còn gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi chúng bị mắc kẹt. Rác thải nhựa không những gây tổn hại đến sinh vật biển và các hệ sinh thái biển mà còn gây tác hại đến đời sống con người. Việc sử dụng các sinh vật biển và các sản phẩm từ biển có chứa vi hạt nhựa (người ta còn tìm thấy các hạt vi nhựa ở cả trong muối ăn) làm thức ăn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, rác thải nhựa đại dương cũng tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và các cộng đồng dân cư vùng ven biển. Nó làm gia tăng các tai nạn hàng hải, giảm năng suất đánh bắt thủy hải sản, ảnh hưởng xấu đến du lịch biển.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới, về lượng rác thải nhựa phát thải ra biển với 0,28 đến 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa phát thải ra biển và đại dương của thế giới)./.
Tải 771/TCBHĐVN-VPTC tại đây:
Theo Cổng TTĐT Bộ TNMT (www.monre.gov.vn)